VỀ HÀ GIANG - KỂ CHUYỆN VỀ NGƯỜI MÔNG TRÊN NHỮNG ĐỈNH TRỜI ĐÁ XÁM

VỀ HÀ GIANG - KỂ CHUYỆN VỀ NGƯỜI MÔNG TRÊN NHỮNG ĐỈNH TRỜI ĐÁ XÁM
Viết bởi: Admin Admin
16/09/2020 \\ Tin tức \\ 0 bình luận

Nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là mảnh đất mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ với những dãy núi đá tai mèo lởm chởm, những cung đường đèo uốn lượn giữa lưng trời, những thửa ruộng bậc thang vàng óng ả khi sắp vào mùa gặt. Và hơn cả, sức hấp dẫn của Hà Giang đến từ những bí ẩn chưa từng khám phá hết về đời sống văn hóa của người Mông – một tộc người có bản sắc và cá tính vô cùng độc đáo.

𝑺𝑰𝑵𝑯 𝑻𝑶̂̀𝑵 𝑻𝑹𝑶𝑵𝑮 𝑮𝑰𝑨𝑵 𝑲𝑯𝑶́

Trong các tộc người phía Bắc Việt Nam, người Mông là một sự tồn tại đặc biệt, là ví dụ điển hình của sự thích nghi và sinh tồn. Đúng như câu dân ca Mông: “Loài cá sống ở nước /Loài chim bay trên trời/Người Mông sống ở núi”, người Mông ở Hà Giang thích nghi với đời sống trên các dãy núi cao từ 800m đến 1.700m so với mặt nước biển, trong điều kiện khó khăn nhưng cũng hùng vĩ và thơ mộng.

Theo các nhà nghiên cứu, khoảng ba thế kỷ trước, người Mông (hay còn gọi là H’Mong, Mèo) bị truy đuổi bởi người phương Bắc nên dạt về phương Nam là vùng núi phía Bắc Việt Nam. Người Mông ở Hà Giang có số dân đông nhất chiếm trên 31% các dân tộc trong tỉnh, với 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa sinh sống chủ yếu ở các huyện phía bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và hai huyện phía tây Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Không gian sống của người Mông luôn là câu hỏi lớn đối với nhiều người. Tại sao họ lại chọn sống nơi lưng trời? Tại sao họ không di cư xuống vùng thấp hơn? Lý giải điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc người Mông sống trên đỉnh núi là một sự lựa chọn tất yếu của lịch sử. Bởi khi họ di cư đến, những nơi thuận tiện cho canh tác và sinh hoạt đều đã có chủ. Người Mông đến sau buộc phải chọn ở đỉnh núi cao. Nhưng ngay cả sau này khi được lựa chọn, nhờ thích nghi điều kiện tự nhiên cộng thêm bản tính kiêu hãnh, độc lập mà người Mông đời đời vẫn bám trụ trên những đỉnh núi, quyết không rời bỏ quê hương, dòng tộc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến – tác giả của cuốn sách Những đỉnh núi du ca – một lối tìm về cá tính H’Mông, cho rằng: “Sống trên các đỉnh núi, người Mông với thói quen lâu đời đã chiếm dụng những nơi có địa hình cao nhất mà họ di cư đến. Ở Việt Nam, người Mông chính là chủ nhân của những đỉnh núi cao nhất, mà tôi gọi là nóc nhà của Việt Nam”. Bởi vậy, người Mông có câu tục ngữ: “Không có đỉnh núi nào cao hơn đầu gối người Mông”, cho dù là đỉnh Tây Côn Lĩnh sừng sững giữa trời cũng sẽ in dấu chân người Mông.

Từ sự thích nghi với hoàn cảnh sống, người Mông sáng tạo ra những hình thức canh tác mới cũng như những điều kiện văn hóa cho phù hợp để có thể sinh tồn trên những đỉnh núi cao của mình. Trong hoàn cảnh không gian xung quanh chỉ toàn đá tai mèo sắc nhọn, tủa lên trời như những ngọn giáo, họ đã sáng tạo ra kỹ thuật thổ canh hốc đá, tức là lấy đất ở chỗ khác, đổ vào hốc đá và chọn các loại cây thích hợp như cây ngô, cây bí, cây đậu rồi trồng trọt tại các hốc đá này.

Tập quán canh tác trong những hốc đá nằm trên những triền núi dựng đứng cao chót vót vừa là một minh chứng hùng hồn và sống động cho khả năng thích nghi tuyệt vời vượt ngoài sức tưởng tượng của người Mông với điều kiện hiện tại để duy trì cuộc sống. Sự thông minh, tư duy logic, và khả năng lao động bền bỉ trong tập quán canh tác này khiến các nhà nghiên cứu cũng như du khách thán phục. Có chứng kiến phụ nữ Mông cõng từng gùi đất băng lên ngọn núi cao để đổ vào những hốc đá mới biết trong từng hạt ngô đã thấm đẫm biết bao mồ hôi nước mắt của tộc người này. Tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá của các dân tộc thiểu số ở cao nguyên đá Hà Giang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Chẳng những vậy, để ngăn nước, giữ đất sau những trận mưa, người Mông còn đem cây sa mộc từ rừng về để trồng ở bản làng. Đây là một loại cây chịu được nắng gió, khô hạn, rét buốt mọc lên từ đá nên vô cùng rắn chắc.

𝙎𝙊̂́𝙉𝙂 𝙏𝙍𝙊𝙉𝙂 Đ𝘼́ 𝘾𝙃𝙀̂́𝙏 𝙉𝘼̆̀𝙈 𝙏𝙍𝙊𝙉𝙂 Đ𝘼́”

Khi trò chuyện với các vị khách phương xa, những bô lão người Mông thường tự hào mà nói rằng: “Con trai Mông trưởng thành phải biết cày nương, thổi khèn và xếp hàng rào đá”. Thật vậy, ở Hà Giang, địa hình 80% là đá. Đá trong lòng đất, đá chạm bước chân, đá đứng sừng sững, đá cao tới trời. Những dãy núi cao mấy trăm mét toàn đá chồng đá, dựng đứng, xám ngắt, nối tiếp nhau trải dài như vô tận. Bởi vậy mà với người Mông, đá là một phần của cuộc sống, của linh hồn, đúng như câu hát “sống trong đá chết nằm trong đá”. Trẻ con lớn lên cùng với đá, người già chết đi nằm trong đá.

Hàng rào đá vẽ nên ranh giới trong không gian sống của người Mông. Và cái hồn của mỗi ngôi nhà trình tường của người Mông cũng bắt đầu từ hàng rào đá. Không có xi măng và cát nhưng hàng rào đá vẫn vững chãi, cứng cáp, hiên ngang trở thành lũy chắn che chở cho cả ngôi nhà. Chiều cao của hàng rào thường vào khoảng dưới 1m70 đủ để ngăn không cho súc vật có thể vượt qua nhưng lại vừa tầm mắt nếu ai đó đi qua có nhu cầu nhìn vào bên trong. Bởi vậy, có thể nói, bức hàng rào đá cũng là một đặc điểm nhận diện của kiến trúc người Mông. Hàng rào đá bao quanh ngôi nhà, trông từ xa như một pháo đài. Trên các đỉnh núi ở cao nguyên đá Đồng Văn, có thể dễ dàng bắt gặp hàng ngàn “pháo đài” như vậy. Có chỗ thì cố kết thành từng cụm, có nơi lại nằm rải rác như đang “trị vì” cả ngọn núi cao. Không chỉ vậy, đá còn là một vật thiêng trong nhà, là công cụ giúp người Mông sinh tồn. Trong gia đình người Mông nào cũng có một chiếc cối đá. Người Mông có tục lệ, khi chuyển nhà, nhất định phải mang theo 3 thứ: cái váy của người phụ nữ, túi đựng hạt lanh và cái cối đá. Vì không có cối đá thì không thể xay ngô, nấu mèn mén đHơn thế, đá còn gắn bó trong cả đời sống tâm linh. Người Mông thờ thần đá. Họ thường cúng thần đá vào ngày rằm, mùng một để cầu bình an. Với những đứa trẻ người Mông, đá cũng là thần hộ mệnh. Người Mông có tục xin đá làm bố mẹ nuôi, che chở cho những trẻ đau ốm. Thầy cúng sẽ lấy một mảnh vải đỏ, tại viên đá thầy cúng sẽ làm lễ thắp hương, đọc tên và cầu xin những điều tốt lành cho đứa bé, sau cúng, người ta tước một vài sợi chỉ đỏ từ mảnh vải, mang về buộc vào chân đứa bé, mảnh còn lại buộc vào tảng đá đó. Tảng đá được chọn gọi là đá sinh, đó phải là tảng đá có chân ngầm vững chắc và những nhu đá sắc tua tủa bên trên tượng trưng cho sự sinh sôi

Người Mông tin sự vững chãi của tảng đá sẽ tiếp bước cho những đứa trẻ lớn khôn, bước từng bước đi vững chãi trên đá. Ở cao nguyên này, đá là thứ hình thành nên lối sống của người Mông, đá chở che suốt cuộc đời họ, đá cho họ chỗ dựa, đá cho họ niềm tin vào cuộc sống và đá đã rènnên một chí khí mãnh liệt cho họ sống và làm chủ mảnh đất này. Đấy là sự gắn kết thiêng liêng giữa con người với thiên nhiên.

𝘾𝙃𝙊̛̣ 𝙋𝙃𝙄𝙀̂𝙉 – Đ𝘼̣̆𝘾 𝙎𝘼̉𝙉 𝘾𝘼𝙊 𝙉𝙂𝙐𝙔𝙀̂𝙉 Đ𝘼́

Chẳng những gắn kết với tự nhiên, người Mông còn tạo lập cho mình một cộng đồng giàu bản sắc. Người Mông đi chợ phiên không chỉ để trao đổi, mua bán mà còn để giao lưu, gặp gỡ. Từ Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì đến Xín Mần, Phố Cáo, ở nơi đâu trên cao nguyên đá cũng có chợ phiên. Không cố định như chợ ở miền xuôi, để có cơ hội gặp nhau nhiều hơn, người Mông có chợ tiến và chợ lùi. Thời gian họp chợ được tính theo con giáp. Chẳng hạn ở Đồng Văn, chợ được họp vào ngày Dần thì ở xã bên cạnh chợ sẽ được tổ chức lùi đi một ngày, vào ngày Mão.

Điều này là để người Mông vừa có thể tham gia chợ xã mình, lại vừa có thể tham gia chợ xã bạn, vì thế họ được gặp nhau nhiều hơn và cũng được vui hơn. Chợ thường họp từ lúc sớm tinh mơ, lúc mặt người còn chưa tỏ, mây mù vẫn giăng khắp núi.

Những ngôi nhà người Mông thường cách nơi họp chợ rất xa, có khi đến vài ngọn núi nên ngay từ lúc trời còn chưa rạng, núi rừng hẵng còn im lìm trong giấc ngủ say thì người Mông đã đeo gùi trên lưng và đi chợ. Những cô gái Mông thường chọn cho mình bộ váy áo đẹp nhất, chải tóc gọn gàng xinh xắn để đi chơi chợ. Chiếc áo đính kim tuyến lóng lánh, váy xòe hoa mười màu, đôi giày đỏ thường ngàykhông có cơ hội mặc, chỉ dành cho những dịp quan trọng và chợ phiên là một dịp như thế.

Chợ phiên nơi cao nguyên đá lúc nào cũng vui như tết. Có tiếng bò kêu, ngựa hí, tiếng bán mua, tiếng chúc tụng với bát rượu thơm lừng, có thắng cố, đậu mèo, có những sản vật của núi rừng như mật ong, nấm hương, các loại rau và còn có cả ti vi hay nhiều đồ điện tử hiện đại khác. Đặc biệt, ở nhiều chợ phiên Hà Giang, người dân không dùng tiền để trao đổi mà dùng hiện vật. Họ thường mang xuống chợ con gà hay chục trứng để đổi lấy cái cuốc hay đôi thùng gánh nước… Chợ phiên vùng cao thường ồn ào nhưng không huyên náo như ở miền xuôi. Người uống rượu cứ uống, uống âm thầm. Người mua bán cứ mua, không trả giá dài dòng.

Cạnh khu mua bán là khu vực hàng ăn với những chảo thắng cố to, nóng hôi hổi cùng những chai rượu ngô thơm nồng. Bên cái bàn thấp tè, dăm cái ghế băng cũ kỹ, thắng cố được múc ra, rượu ngô rót đầy bát, những người đàn ông ăn thắng cố, uống rượu ngô; còn đàn bà ngồi cạnh chờ chồng, trò chuyện, đôi tay mải miết se sợi. Người Mông đi chợ cũng là chơi chợ. Do đặc thù vị trí địa lý, mỗi nhà cách nhau đến cả quả núi nên chợ là nơi giao lưu, gặp gỡ.

Bởi vậy, đâu có gì lạ khi có nhiều người xuống chợ mà chẳng mua gì, hoặc giả chỉ đem theo con gà làm lộ phí “ăn chơi”. Tại chợ, họ thổi khèn, họ nhảy múa ca vũ chứ không chỉ bán mua. Khi mặt trời đứng bóng, chảo thắng cố đã cạn, vò rượu ngô đã hết, những mặt hàng thiết yếu đã được sắm đủ, sau những câu chào dăm lần bảy lượt, bà con người Mông lại lục tục lỉnh kỉnh đồ đạc, kéo nhau trở về nhà trên những con đường núi chênh vênh.

Chợ phiên Hà Giang không chỉ có người Mông hay những dân tộc anh em khác mà còn có cả những du khách phương xa từ dưới miền xuôi. Họ chầm chậm đi dạo, ngắm chỗ này, ngắm chỗ kia, chụp một vài bức ảnh, ăn thử bát thắng cố, nhấp ngụm rượu ngô cay nồng. Chỉ vậy thôi, nhưng chợ phiên lại trở thành một “đặc sản” của cao nguyên đá, đến nỗi nhiều người còn nói “nếu đã đến Hà Giang mà chưa đi chợ phiên tức là chỉ mới biết được một nửa của nơi này”.

“Hiểm nguy, hùng vĩ và thơ mộng, như những đỉnh núi cao bất tận, vô danh, đời đời mù sương phủ”, ấy là không gian sống của người Mông. Giữa lưng trời chỉ có đá và đá ấy, người Mông vẫn ngoan cường, không ngừng thích ứng để tồn tại đồng thời xây dựng nên một cộng đồng gắn kết với bản sắc văn hóa độc đáo và riêng biệt.

Cre/lolivi

 

Viết bình luận của bạn: