H’MONG VILLAGE – TỪ MẢNH ĐẤT ĐÁ KHÔ CẰN ĐẾN MỘT KHU NGHỈ DƯỠNG XANH

Những năm trước đây, tại mảnh đất cằn cỗi này với địa hình hiểm trở, kinh tế khó khăn vì 4 bề là đá, không trồng nổi cây gì có giá trị ngoài cây ngô. Cây ngô cũng cố gắng vươn mình phát triển trên mảnh đất này nhưng hiệu quả thấp. Một mảnh đất vốn rộng rãi nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế vì nhiều đá, khô khốc, rất khó khăn cho bà con mưu sinh. Chính sự khắc nghiệt về địa hình địa chất cùng với những cung đường men theo sườn núi dựng đứng lại mang đến nguồn cảm hứng để xây dựng một H’mong Village với vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ như kỳ quan.


Ảnh: Mảnh đất cằn cỗi ngày ấy chỉ có thể trồng ngô trên từng mỏm đá
Đặc biệt là việc mong muốn bảo tồn kiến trúc bản địa của người dân, tiêu biểu là kiến trúc truyền thống của người Mông. Những ngôi nhà trình tường độc đáo hoàn toàn bằng đất, mát mẻ vào mùa hạ, ấm áp vào mùa đông vốn được truyền từ đời này qua đời khác thì nay đang bị mai một, nhất là đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở vùng ven biên giới. Với những mong muốn đó cùng với chủ trương của tỉnh vào năm 2018 về việc lấy du lịch làm kinh tế mũi nhọn, khai thác triệt để thế mạnh vốn có và góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi.



Ảnh: Toàn cảnh vùng đất đá nhìn từ trên cao
Nhận thức được tầm quan trọng của việc lưu giữ văn hóa kiến trúc của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, lại được tỉnh khuyến khích phát triển du lịch, nên khu nghỉ dưỡng H’mong Village đã được xây dựng theo lối kiến trúc của người Mông, để ngoài khai thác về kinh tế còn có giá trị bảo tồn văn hóa cho đời sau.
Bằng những niềm trăn trở và những mục tiêu đó, tháng 2/2019, những viên đá đầu tiên cho nền móng khu nghỉ dưỡng được đặt trên đất Quản Bạ.



Ảnh: Toàn cảnh vùng đất đá nhìn từ trên cao
Sau hơn 1 năm thực hiện, ngôi nhà ăn 9 gian, nhà cộng đồng 2 tầng cùng với 15 căn Bungalow Quẩy tấu được hình thành. Những chiếc quẩy tấu (hay gùi, địu) đi vào kiến trúc của những căn Bungalow một cách tinh tế, lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.



Ảnh: Toàn bộ khu Pob Cưs được phủ xanh và đưa vào hoạt động
Tháng 7/2020, khu nghỉ dưỡng này được đưa vào sử dụng và đón khách với tổng diện tích lên đến 21ha. Ðồng bào dân tộc thiểu số vốn quanh năm chỉ gắn bó với cây ngô nay được đào tạo, hướng dẫn làm du lịch cao cấp. Không chỉ xóa được cái nghèo, cái đói mà còn có thu nhập ổn định, bớt đi những cảnh gia đình chia cắt vì phải rời quê đi làm xa. Với 98% nhân sự là người dân tộc thiểu số địa phương, H'mong Village đặt trọng tâm là phát triển nhân viên, phát triển nguồn nhân lực bền vững là kết quả quan trọng trong quá trình vận hành khu nghỉ dưỡng phát triển bền vững trong tương lai. Nhân viên của H'mong Village luôn được tuyển dụng và đào tạo bền vững, được cử đi học nghiệp vụ và chuyên môn cũng như kỹ năng mềm trong mỗi khoảng thời gian khác nhau, được đảm bảo cơ hội bình đẳng tài chính, đặc biệt được hỗ trợ bảo tồn văn hóa địa phương của mỗi người.



Ảnh: Toàn bộ khu Pob Cưs được phủ xanh và đưa vào hoạt động
Ðầu năm 2022, khu Đề Chia của khu nghỉ dưỡng hoàn thành. Khu này mô phỏng một bản làng Mông gọi là bản Ðề Chia. 20 căn nhà trình tường được đặt tên theo 20 dòng họ Mông, tái hiện nguyên bản kiến trúc nhà truyền thống, xây dựng hoàn toàn bằng đất, lợp ngói âm dương với một cửa chính và hai cửa sổ hai bên. Sân nhà được bao bọc bằng hàng rào đá, trước mỗi nhà có một cây đào, cảnh quan xung quanh được tô điểm bởi hàng cây sa mộc. Dù bên trong là tiện nghi của khu nghỉ dưỡng cao cấp nhưng hơi thở truyền thống, văn hóa bản địa vẫn chẳng vì thế mà mất đi.



Ảnh: Bản Đề Chia được xây dựng sau những mỏm đá tai mèo
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ để xây dựng mô hình du lịch xanh H’mong Village đã bắt đầu hái quả ngọt và được ghi nhận không chỉ trong nước mà vươn tầm khu vực. Ðầu năm 2022, khu nghỉ dưỡng là một trong 5 đại diện của Việt Nam đạt giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN tổ chức tại Sihanoukville, Campuchia. Mong muốn xa hơn nữa của H’mong Village là ngày càng nhiều có khu du lịch lấy văn hóa đó làm sức mạnh nội sinh phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và từ du lịch lại phát triển quay trở lại với bảo tồn văn hóa bản địa.



Ảnh: bản Đề Chia sau khi đưa vào hoạt động, được phủ xanh hoàn toàn với các căn nhà theo kiến trúc người Mông